08/01/2021
Đăng bởi:admin 0 Comment

(PetroTimes) – Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 75% trong hai thập niên tới và ngành dầu khí Trung Quốc đang quay sang Trung Á để tìm các nguồn cung cấp mới.

Trung Quốc đang trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới trong vòng chưa đầy 20 năm và hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Nhu cầu dầu mỏ và khí đốt ngày càng tăng của “người khổng lồ này” đang tạo ra một mạng lưới các quan hệ năng lượng khu vực mới, với Trung Á rơi vào chính giữa mạng lưới này.

Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc dự kiến tăng thêm 75% trong hai thập niên tới và nước này đang quay sang Trung Á để tìm các nguồn cung cấp vì hai lý do. Thứ nhất, Trung Quốc hy vọng tích cực cạnh tranh vì an ninh năng lượng quốc gia thông qua các hoạt động “ngoại giao năng lượng” với khu vực. Điều này sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận một nguồn năng lượng ổn định hơn. Thứ hai, bằng việc phát triển các mối quan hệ chặt chẽ với Trung Á, Trung Quốc đang mong muốn ngăn chặn nguy cơ từ những nhà hoạt động ly khai tại Khu vực tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, giáp biên giới với các nước cộng hòa Trung Á.

Lịch sử ghi nhận quan hệ giữa Trung Á và Trung Quốc bắt nguồn từ thời “Con đường Tơ lụa”, nhưng gần đây hơn, Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào khu vực này bằng việc xây dựng đường sá và đường hầm tại Tajikistan, phát triển ngành dầu khí với Kazakhstan và xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dài tới 1.800 km từ Turkmenistan. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và năm quốc gia Trung Á đã tăng gần 80 lần trong 20 năm qua ( 527 triệu USD năm 1992 lên 40 tỷ USD năm 2011) Các công ty dầu mỏ lớn của Trung Quốc như Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn dầu mỏ ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã lập quan hệ đối tác với các công ty địa phương để cạnh tranh với các đối thủ lớn khác như Nga và các công ty đa quốc gia như ExxonMobil và BP trong các liên doanh thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt.

Đặc biệt, các công ty năng lượng Trung Quốc đang đầu tư tại Kazakhstan, nơi CNPC đã mua trên 60% cổ phần của công ty dầu mỏ Aktobemunaigaz (Kazakhstan )năm 1997. Sau đó CNPC đã mua đứt công ty này và đặt tên mới là СNРС–Aktobemunaigaz. Thêm vào đó, CNPC đang thương thuyết mua 49% cổ phần thiểu số tại công ty Mangistaumunaigaz AO của Kazakhstan. Thỏa thuận này sẽ cho phép CNPC kiểm soát khoảng 15% tổng sản lượng dầu mỏ của Kazakhstan.

Việc phát hiện ra mỏ dầu Kashagan khổng lồ tại Kazakhstan năm 2000 cũng khiến Trung Quốc cam kết xây dựng một tuyến đường ống Kazakhstan – Trung Quốc. Kết quả là phần cực đông của đường ống này, dài 988 km từ Atasu tại Kazakhstan tới Alashankou trên biên giới Trung Quốc, đã được hoàn tất vào cuối năm 2005 và bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2006.

Đường ống dẫn khí đốt Trung Á – Trung Quốc, đi qua Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan và vào Trung Quốc qua thị trấn biên giới Horgos tại Tân Cương, có khả năng vận chuyển 40 tỷ m3 khí đốt tự nhiên/năm theo thiết kế ban đầu. Nhưng do Trung Quốc có kế hoạch tăng nhập khẩu khí đốt của Trung Á gấp 5 lần vào cuối năm 2015, công suất của đường ống này sẽ sớm được phát triển lên 55-60 tỷ m3 khí đốt/năm. Turkmenistan là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và dự kiến tăng gấp đôi lượng cung cấp cho Trung Quốc trong một tương lai gần.

Các chuyên gia cho rằng ngoài những lợi thế kinh tế rõ ràng đối với Ashgabat, Bắc Kinh cũng sẽ được lợi bằng việc giành các nguồn cung cấp khí đốt mới và hoãn nhu cầu giao thiệp với Iran cho đến khi môi trường chính trị tại Trung Đông được cải thiện. Tương tự như vậy, tại Uzbekistan, Trung Quốc đang thành lập hơn 380 liên doanh, sử dụng đầu tư Trung Quốc và thiết lập văn phòng đại diện của 65 công ty Trung Quốc lớn. Bằng cách nối đường ống dẫn khí đốt Uzbekistan – Trung Quốc vào đường ống Trung Á – Trung Quốc, hai nước đang tạo thêm đà cho việc hợp tác năng lượng. Uzbekistan đã bắt đầu cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống này từ tháng 8/2012.

Khi vị thế của Trung Quốc tăng đáng kể trong nền kinh tế toàn cầu, họ đang đưa Trung Á vào quỹ đạo của mình thông qua những kết nối năng lượng như trên. Nhưng liệu thế giới có đang chứng kiến phiên bản mới của “Cuộc chơi lớn” tại Trung Á, với Trung Quốc và Mỹ đang thay thế Vương quốc Anh và Liên Xô trước đây? Rõ ràng là Trung Quốc đã bước vào cuộc chơi này bằng việc nỗ lực giành phần lớn hơn của phần thưởng năng lượng tại Trung Á. Trong khi đó, Mỹ dường như chuyển xuống vai trò thứ yếu, khi các công ty dầu mỏ tư nhân Mỹ không thể bắt kịp các công ty dầu mỏ quốc doanh khổng lồ và hùng mạnh của Trung Quốc.

Điều đó cũng có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động ngoại giao năng lượng để cải thiện những quan hệ với các quốc gia Trung Á để đảm bảo sự cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn cho Trung Quốc.

Để lại một bình luận

Trả lời